Sau đại dịch Covid-19, liệu có trào lưu thiết kế mới xuất hiện? – CÔNG TY TNHH THIẾT KẾ XÂY DỰNG KHẢI NGUYÊN PHÁT

Sau đại dịch Covid-19, liệu có trào lưu thiết kế mới xuất hiện?

Kiến trúc nói riêng và tất cả các ngành thiết kế nói chung đã trải qua nhiều sự thay đổi với sự ra đời của các trào lưu thiết kế, được thể hiện trên các công trình kiến trúc, các tác phẩm nghệ thuật như hội hoạ, đồ nội thất,… Các xu hướng, phong trào được sinh ra từ sự bất mãn hoặc không hài lòng với thực trạng xã hội hoặc sự xuất hiện của các công nghệ mới. Điều này khiến chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Hiện tại phong trào thiết kế nào đang lên ngôi và đặc điểm của nó là gì? Đại dịch Covid-19 như cho chúng ta cơ hội chậm lại giữa dòng chảy cuồn cuộn và suy nghĩ về hiện tại và những sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong tương lai.

Sau đại dịch Covid-19, liệu có trào lưu thiết kế mới xuất hiện?

Trong thế kỷ XX, kiến ​​trúc không thuộc về bất kỳ phong trào nào mà thay vào đó là sự căng thẳng, xung đột khi các KTS thể hiện triết lý thiết kế của mình với xã hội. Trong một số trường hợp, nó không nói về các tòa nhà riêng lẻ mà nói nhiều hơn về các nhóm KTS, những người thúc đẩy các ý tưởng. Kiến trúc thường xuyên phải tự làm mới lại chính nó, một khi phong trào thiết kế nào đó được đa số chấp nhận, nó mới cơ bản thoát khỏi sự chỉ trích trong một khoảng thời gian nhất định. Thật khó để một KTS không phải đối mặt với sự hoài nghi của thời đại. Những tên tuổi lớn nhất đều có lúc phải vấp ngã trước “làn sóng không ngừng vỗ vào bờ”.

Nổi tiếng nhất là Phong trào Kiến trúc Hậu hiện đại. Đó là một cuộc nổi dậy chống lại các thiết kế theo Chủ nghĩa Hiện đại mà bản thân nó đã được phổ biến bởi ngành công nghiệp sản xuất từ sau Thế chiến thứ 2. KTS cảnh quan và là nhà nghiên cứu lịch sử Kiến trúc Charles Jencks, với tư cách là người đưa ra những lý thuyết đầu tiên về Chủ nghĩa Hậu hiện đại, ông đã dành phần lớn thời gian của mình để nghiên cứu về lịch sử và sự phát triển của Kiến trúc. Ông cho rằng Chủ nghĩa Hiện đại tập trung vào các khối hình học, các góc cạnh và các tòa nhà bằng kính và thép. Tuy nhiên, Kiến ​​trúc Hậu hiện đại tập trung vào hình thức bắt nguồn từ tâm hồn, xúc cảm, bối cảnh môi trường và thiên nhiên. Năm 2007, ông xuất bản cuốn “Critical Modernism” nói về Chủ nghĩa Hiện đại và cuốn “What is Postmodernism?”.

Nhà nghiên cứu lịch sử Kiến trúc Charles Jencks

Liệu có sự chối bỏ hoàn toàn khi chuyển dịch từ Chủ nghĩa Hiện đại sang Hậu hiện đại? Không hẳn vậy. Trong trường hợp này, không có việc loại bỏ hoàn toàn cái cũ khi chuyển sang cái mới, dù có nhiều người lên án sự cứng nhắc của những tòa nhà chọc trời bằng kính và thép vốn nổi tiếng của Chủ nghĩa Hiện đại. Nhưng “Chủ nghĩa hiện đại” là thuật ngữ nói chung không chỉ mô tả kiến trúc. Chúng ta sử dụng từ “Hiện đại” để mô tả hầu hết mọi thứ. Cuộc sống hiện đại, nghệ thuật hiện đại, con người hiện đại, công nghệ hiện đại. Vậy “Hiện đại” có tác động như thế nào đến Kiến ​​trúc hiện tại và sẽ phát triển ra sao?

Nếu chúng ta lấy mốc là năm 2020, thật dễ dàng đưa ra lập luận rằng chúng ta đang trên đà của những thay đổi lớn nhất kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp từ giai đoạn 1760 – 1820 và năm 1840, khi mọi thứ đang chậm lại do COVID-19. Một giả thiết cho rằng, trong tương lai, thẩm mỹ không còn là vấn đề quá lớn, quan trọng là cách kiến trúc phản ứng với môi trường tự nhiên, thiên tai, biến đổi khí hậu cũng như các thay đổi nhanh chóng của kinh tế – xã hội. Các công nghệ mới ngày nay có khả năng hạn chế các tác động của biến đổi khí hậu, tạo ra các tòa nhà thân thiện với môi trường hơn và phát triển các chiến lược đô thị nhằm tạo cơ sở bình đẳng cho mọi công dân trên thế giới. Một giả thiết khác cho rằng 2020 thực sự là năm chúng ta cần phải tăng tốc đổi mới và buộc phải đạp lên chân ga để tiến tới phong trào thiết kế lớn tiếp theo.

Bối cảnh hiện tại, khi thế giới đang bước sang giai đoạn Hậu đại dịch, với sự thôi thúc hành động mạnh mẽ về biến đổi khí hậu và sự thừa nhận các bất công trong xã hội, liệu đã quá rõ ràng về một phong trào thiết kế lớn tiếp theo? Với sức mạnh đang nằm trong tay các nhà phê bình và những người hành nghề, có lẽ đã đến lúc tạo ra một phong trào thiết kế không đến từ lợi ích cá nhân mà vì lợi ích chung của nhân loại, của những thành phần dễ tổn thương và cho Mẹ thiên nhiên.

Dịch: Hoàng Anh | Nguồn: Archdaily